Bệnh lý Phổi mô kẽ là một nhóm bệnh gồm hơn 200 bệnh khác nhau, hầu hết trong số đó đều là bệnh hiếm gặp, tỷ lệ mắc thấp và khó chẩn đoán. Bệnh mô liên kết (CTD) là một trong những bệnh lý có biến chứng phổi kẽ thường gặp, đặc biệt trên những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao. Một số bệnh nhân bệnh phổi kẽ liên quan đến bệnh mô liên kết (CTD-ILD) có tình trạng tiến triển khá nhanh trên phổi và tiên lượng sống của người bệnh thấp.
“Diễn đàn PPF: Quản lý toàn diện CTD - ILD” do Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp cùng Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy tổ chức vừa qua đã mang đến nhiều thông tin hữu ích cho các bác sỹ điều trị, các nhà lâm sàng.
Tại hội thảo, các chuyên gia của Việt Nam cũng như quốc tế đã chia sẻ những dấu hiện nhận biết, căn cứ để chẩn đoán bệnh CTD - ILD, các ca lâm sàng cụ thể từ đó có các khuyến cáo tầm soát, đánh giá các yếu tố nguy cơ và hướng điều trị hợp lý. Các bác sĩ đều đồng quan điểm rằng: “Việc được chẩn đoán, tầm soát sớm là rất quan trọng, không có gì tệ hơn nếu bỏ lỡ thời điểm”.
Các chuyên gia, bác sĩ đến từ Đài Loan, Thái Lan chỉ ra rằng: Bệnh nhân mắc bệnh mô liên kết (CTD) có nguy cơ mắc bệnh phổi kẽ (ILD) nên cần được sàng lọc ILD và việc sàng lọc không chỉ giới hạn ở những người có các yếu tố nguy cơ. Chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao (HRTC) và các xét nghiệm chức năng phổi (PFT) được khuyến cáo có điều kiện như một công cụ sàng lọc ILD ở những bệnh nhân mắc CTD. Sàng lọc ILD ở những bệnh nhân mắc sơ cứng hệ thống (SSC), viêm cơ vô căn hiếm IIM và mô liên kết hỗn hợp (MCTD) có các đặc điểm SSC càng sớm càng tốt.
TS. BS Lê Thị Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm Cơ xương khớp, Bệnh viện Bạch Mai chỉ ra: Cả quá trình viêm và xơ đều tham gia vào quá trình hậu sinh của tổn thương phổi kẽ trong nhóm bệnh mô liên kết (CTD - ILD), xuất hiện ngay từ giai đoạn sớm của bệnh. Thuốc ức chế miễn dịch chỉ làm giảm quá trình viêm nhưng không nhắm vào điều trị quá trình xơ. Xơ hoá có thể vẫn tiến triển, diễn ra. Khi bệnh nhân đã phát hiện những tổn thương xơ ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh, việc điều trị chống xơ hoá là rất cần thiết để ngăn ngừa tổn thương phổi tiến triển và cải thiện kết quả điều trị. Thuốc Nintedanib vừa điều trị chống xơ, vừa điều trị chống viêm, ngăn chặn quá trình dẫn đến xơ hoá phổi cũng như những tiến triển của tổn thương phổi kẽ. Thuốc được chứng nhận trong điều trị bệnh nhân tổn thương phổi kẽ, xơ phổi của bệnh nhân mắc bệnh phổi kẽ. Chúng ta cần theo dõi và kiểm soát tốt bệnh nhân mắc tổn thương phổi kẽ và bệnh nhân mô liên kết để có chiến dịch quản lý người bệnh hiệu quả bằng các thuốc ức chế miễn dịch, điều trị xơ, chống xơ. Sự tham gia của bệnh nhân thúc đẩy phương pháp tiếp cận toàn diện trong quản lý CTD.
Từ ca bệnh thực tế, ứng dụng trong thực hành lâm sàng quản lý bệnh phổi kẽ liên quan đến bệnh mô liên kết, BSCKII.Trần Ngọc Hữu Đức, Phó khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Chợ Rẫy nhấn mạnh thêm: Bệnh phổi kẽ có nhiều nguyên nhân, trong đó bệnh mô liên kết là nguyên nhân hàng đầu. Nguyên nhân này có thể kiểm soát và điều trị được, đồng thời đang có nhiều tiến bộ trong điều trị xơ phổi, bệnh phổi kẽ liên quan đến bệnh mô liên kết. Cần lưu ý bệnh phổi kẽ tiến triển vì nhóm này thường có tiên lượng xấu và cần phương pháp điều trị toàn diện, kết hợp liên chuyên khoa, bác sĩ cơ xương khớp, bác sĩ hô hấp, chẩn đoán hình ảnh. Bởi việc chẩn đoán và tiến triển bệnh được xác định dựa trên sự phối hợp của các triệu chứng lâm sàng, chức năng hô hấp và X-quang. Điêu trị xơ hoá tiến triển đòi hỏi phải kết hợp thuốc ức chế miễn dịch chống viêm và thuốc chống xơ hoá.
Hội thảo là một trong những hoạt động sinh hoạt y khoa, khoa học ý nghĩa, là cơ hội để đội ngũ thầy thuốc cùng nhau chung tay tìm ra giải pháp nâng cao hơn nữa chất lượng trong chẩn đoán, điều trị cho nhóm bệnh lý này.
Chương trình đón nhận sự tham gia hưởng ứng của các chuyên gia đầu ngành cơ xương khớp, chẩn đoán hình ảnh trong nước, quốc tế và đông đảo các bạn bè đồng nghiệp, những người hoạt động trong lĩnh vực y tế dưới cả hai hình thức trực tuyến và trực tiếp.