Nội soi tiêu hóa là phương pháp "vàng" trong chẩn đoán các bệnh lý dạ dày, đại tràng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân băn khoăn giữa nội soi thường và nội soi gây mê: Đâu là lựa chọn tối ưu về hiệu quả, chi phí và sức khỏe? Để giải đáp thắc mắc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hiền - Chuyên gia Tiêu hóa tại Trung tâm Tiêu hóa gan mật, Bệnh viện Bạch Mai.
PV: Thưa bác sĩ, trước tiên xin bác sĩ giải thích ngắn gọn về hai phương pháp nội soi thường và nội soi gây mê?
BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hiền:
- Nội soi thường (không gây mê) là kỹ thuật đưa ống nội soi mềm vào đường tiêu hóa qua miệng (nội soi dạ dày) hoặc hậu môn (nội soi đại tràng). Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình làm nội soi.
- Nội soi gây mê (còn gọi là nội soi không đau) sử dụng thuốc an thần hoặc gây mê để người bệnh rơi vào trạng thái ngủ ngắn, không cảm thấy đau hay khó chịu.
PV: Vậy ưu và nhược điểm cụ thể của hai phương pháp này là gì, thưa bác sĩ?
BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hiền:
1. Nội soi thường
Ưu điểm:
- Là phương pháp nội soi truyền thống, phổ biến, có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tại các phòng khám tư có nội soi tiêu hóa hoặc các đơn vị y tế cơ sở như trung tâm y tế huyện.
- Thời gian nhanh: Chỉ mất 10-20 phút cho nội soi dạ dày và 20-30 phút với đại tràng.
- Chi phí thấp: Tiết kiệm hơn do không phải trả thêm phí thuốc mê và theo dõi sau gây mê.
Nhược điểm:
- Khó chịu, buồn nôn: Khi ống nội soi đi qua họng, người bệnh dễ bị kích thích gây nôn, co thắt. Hoặc khi đưa ống nội soi vào trong đại tràng và bơm hơi quan sát, người bệnh có thể sẽ cảm thấy khó chịu, đau tức bụng.
- Bác sĩ khó thao tác: Nếu người bệnh quá căng thẳng, nôn ọe nhiều có thể làm hạn chế việc quan sát niêm mạc dạ dày, dẫn đến bỏ sót tổn thương nhỏ.
- Nguy cơ phản xạ phế vị: Một số trường hợp hiếm gặp có thể bị rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp do kích thích dây thần kinh phế vị.
Quyết định nội soi thường hay gây mê phụ thuộc vào thể trạng, tâm lý và điều kiện kinh tế của từng người.
2. Nội soi gây mê
Ưu điểm:
- Không đau, không khó chịu: Người bệnh không có cảm giác khi ống nội soi di chuyển trong ống tiêu hóa.
- Tăng hiệu quả và chất lượng cuộc soi: Người bệnh nằm yên nên bác sĩ sẽ thuận lợi hơn trong việc quan sát niêm mạc và phát hiện tổn thương, cũng như thao tác dễ dàng hơn khi sinh thiết, cắt polyp hoặc làm các can thiệp nội soi khác.
- Giảm sang chấn tâm lý: Phù hợp với người sợ đau, trẻ em hoặc người có phản xạ nôn mạnh.
Nhược điểm:
- Rủi ro từ thuốc gây mê: Dù hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra sốc phản vệ, suy hô hấp, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc có bệnh lý hô hấp.
- Thời gian kéo dài: Cần thêm thời gian để người bệnh tỉnh táo hoàn toàn sau khi được dùng thuốc gây mê, khoảng thời gian này kéo dài 1 đến 2 giờ.
- Chi phí cao hơn so với nội soi thường.
PV: Nếu bệnh nhân lựa chọn nội soi gây mê, họ cần chuẩn bị những gì, thưa bác sĩ?
BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hiền: Chuẩn bị kỹ lưỡng là yếu tố quyết định thành công của ca nội soi. Người bệnh cần chú ý 5 vấn đề sau:
1. Nhịn ăn và uống đúng cách:
- Nhịn ăn ít nhất 6 tiếng trước khi nội soi để dạ dày rỗng, tránh nguy cơ trào ngược dịch vị.
- Không uống các nước có màu, chỉ uống nước lọc với lượng nhỏ nhưng phải ngừng uống trước 2 tiếng.
2. Làm sạch ruột (với nội soi đại tràng):
- Uống thuốc làm sạch đại tràng theo chỉ định của bác sĩ (thường là các thuốc PEG…) để thải toàn bộ phân trong ruột.
- Nếu đại tràng chuẩn bị không sạch, bác sĩ sẽ khó quan sát, dễ bỏ sót tổn thương.
- Lưu ý với nội soi đại tràng mê, người bệnh vẫn cần nhịn ăn trước khi nội soi để tránh dịch vị và thức ăn trào ngược khi gây mê.
3. Thông báo tiền sử bệnh và thuốc đang dùng:
- Người bệnh cần khai báo các bệnh lý nền (tim mạch, tiểu đường, hen suyễn) và dị ứng thuốc (nếu có).
- Ngừng dùng thuốc chống đông máu và chống ngưng tập tiểu cầu (aspirin, warfarin….) đủ thời gian tùy theo từng loại thuốc để tránh chảy máu khi sinh thiết.
4. Không sử dụng chất kích thích:
- Nên tránh rượu, cà phê, thuốc lá ít nhất 24 giờ trước khi nội soi.
5. Đi cùng người thân:
- Sau gây mê, bệnh nhân có thể chóng mặt, mệt mỏi, cần người đưa về.
PV: Vậy những trường hợp nào cần thận trọng hoặc tránh nội soi gây mê?
BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hiền:
- Người có tiền sử dị ứng với thuốc mê: Cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa gây mê khi khám trước nội soi.
- Có bệnh tim phổi nặng: Thuốc mê có thể làm trầm trọng tình trạng bệnh.
- Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu: Thuốc mê ảnh hưởng đến thai nhi, chỉ thực hiện khi thật sự cấp thiết.
- Người rối loạn đông máu: Dễ chảy máu kéo dài nếu phải cắt polyp.
PV: Theo bác sĩ, bệnh nhân nên dựa vào đâu để chọn phương pháp phù hợp?
BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hiền:
- Nội soi thường phù hợp với người có sức khỏe ổn định, không sợ đau, muốn tiết kiệm chi phí.
- Nội soi gây mê nên ưu tiên cho:
- Người có phản xạ nôn nhạy cảm.
- Trẻ em, người già hoặc người cần được làm thủ thuật nội soi phức tạp (cắt polyp, cầm máu).
- Bệnh nhân có tâm lý sợ hãi, từng thất bại với nội soi thường.
Quyết định nội soi thường hay gây mê phụ thuộc vào thể trạng, tâm lý và điều kiện kinh tế của từng người. Điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần trao đổi kỹ với bác sĩ để được tư vấn phương pháp tối ưu. Như lời khuyên của BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hiền: "Đừng vì sợ đau mà trì hoãn nội soi. Phát hiện sớm tổn thương chính là chìa khóa để điều trị thành công các bệnh tiêu hóa"./.